|
Cầu an nghĩa là đem sự an lành, yên ổn tới cho ai đang cần.
Tùy theo tâm thức của mỗi người, chúng ta có nhiều sự biểu hiện của việc cầu an khác nhau:
- Khi tâm ta yếu đuối, bất lực, ta tin vào sức mạnh cứu rỗi giúp đỡ từ những đấng toàn năng bên ngoài, thì việc cầu an là việc khấn xin những đấng cao thượng rủ lòng thương ban bố sự an ổn. Với lòng thành khẩn, thông thường phương thức cầu an này rất hữu hiệu. Sự tìm cầu cảm giác an toàn là đặc tính chính của tâm thức này.
- Khi tâm ta mạnh mẽ, tự tin hơn, ta tin vào sức mạnh của mình sẽ thay đổi và cải thiện những điều kiện cuộc sống quanh ta thì cầu an cho một người nào là việc mà ta muốn đem sức lực mình ra cống hiến. Ta không muốn nhờ vào một đấng toàn năng nào khác giúp ta những việc mà ta làm được. Lòng tự tin, tánh phủ nhận tất cả những gì bên ngoài tầm nhìn của mình, là đặc tính chính của tâm thức này.
- Khi tâm ta mạnh mẽ, lòng tin vào mình và tin vào Phật bồ tát, tin vào đấng trên, cũng mạnh mẽ, ta sẽ cảm thấy mình vừa có thể tự thay đổi mà đấng trên cũng có thể giúp đỡ. Do đó cầu an ở tâm thức này thì bao gồm những việc ta tích cực cống hiến, đồng thời phối hợp với nỗ lực cầu nguyện ơn trên. Sự hài hòa, nhận tri vị trí và giới hạn của mình trong vũ trụ, nhận tri sức mạnh của tự lực và tha lực là đặc tính chính của tâm thức này.
- Khi tâm ta mạnh mẽ, đồng thời ta sống trong tâm thức vị tha thì đối với việc cầu an, ta luôn nghĩ tới việc mình phải hy sinh và làm giúp tha nhân. Nếu cần cầu an, ta cũng sẵn sàng cầu nguyện giúp tha nhân để đấng trên giúp họ được an ổn, lành trị. Sự hy sinh, lòng vị tha, là đặc tính chính của tâm thức này.
Chúng ta nên hiểu mình ở dạng tâm thức nào rồi tùy theo đó mà hướng tới phương thức cầu an thích hợp.
Trong pháp hội Di Đà quan niệm cầu an được hiểu như là ta tu giùm tha nhân. Thí dụ như người thân của ta không có thời gian tu hành, hoặc họ đang bịnh, hoặc thiếu phương tiện, hoặc họ chưa phát tâm tu hành. Do đó khi ta có cơ hội và phương tiện lễ lạy tu trì thì ta tu giùm cho họ. Phật giáo gọi đó là hạnh hồi hướng. |