Goodmorning các bác, các anh chị, đây là Dharma Expresso cho ngày hôm nay.
Nếu các bác đọc truyện Tây Du Ký, các bác thấy có rất nhiều đoạn Tề Thiên Đại Thánh (Tôn Ngộ Không) phải bay ra ngoài để đi coi tình hình. Tôn Ngộ Không đi với Trư Bát Giới, hoặc là với Sa Tăng. Khi không có ai ở nhà để mà coi giữ ngài Đường Huyền Trang (Tam Tạng) thì thế nào Tôn Ngộ Không cũng làm một pháp như thế này. Tôn Ngộ Không mở một vòng tròn, niệm chú vào đó, rồi thỉnh mời Đường Tam Tạng vào ngồi trong vòng tròn.
Vòng tròn đó khá lớn chứ không phải nhỏ, cũng khoảng bằng đường kính bốn, năm feet. Khi vào ngồi trong đó, Tam Tạng có thể đi vô đi ra, đi lên đi xuống, đi vòng vòng cũng được, rất là rộng rãi. Tôn Ngộ Không lúc nào cũng nói như thế này: ‘Thưa Sư Phụ, xin ngài ngồi yên ở đây. Ngài đi đâu, đọc sách, đọc kinh, làm gì thì làm nhưng ngài đừng bước ra khỏi vòng tròn đó’.
Huyền Trang Tâm Tạng mới hỏi rằng: ‘Tại sao vậy, tại sao không bước ra khỏi được?’. Lúc nào Tôn Ngộ Không cũng trả lời giống nhau: ‘Không được bước ra khỏi vì trong vòng này con đã chú nguyện rồi, không có yêu tinh ma quỷ gì vào được trong vòng đó cả. Nếu Sư Phụ bước ra sẽ bị bọn yêu tinh ma quỷ thấy và thế nào cũng làm hại. Cho nên xin Sư Phụ ở trong đó thôi, đừng đi ra’.
Đoạn đó chắc là các bác đã nghe rồi. Thầy thấy hứng thú vô cùng bởi vì đó là một suy nghĩ rất xưa mà có một thực tại như vầy: Thầy thấy rất nhiều lần có những chiết giới (vẽ những vòng tròn: chiết giới) linh nghiệm vô cùng.
Thưa các bác, chiết giới là chia mặt đất, chỗ ngài Huyền Trang đang ngồi ra thành hai chỗ: trong vòng tròn gọi là chỗ an toàn, bên ngoài vòng tròn gọi là không an toàn. Bên trong gọi là chỗ thanh tịnh, bên ngoài là chỗ ô uế. Mình suy ra bên trong gọi là chỗ an lạc, bên ngoài là chỗ đau khổ; bên trong là chỗ thánh hiền, bên ngoài là chỗ ma quái; bên trong là mình giải thoát, tự tại bên ngoài là thế nào mình cũng bị trói, bị buộc, bị đọa, bị lạc.
Vòng tròn đó tượng trưng cho chuyện mình làm ngày hôm nay: Mạn Đà La. Mạn Đà La là mình vẽ một vòng tròn, đại chúng vào trong vòng tròn đó. Vòng tròn đó là gì? Là vòng giải thoát của Phật, Bồ Tát chứ không phải gì hơn.
Độc đáo hơn nữa, mình vẽ không những một vòng tròn mà hai vòng. Vòng đầu tiên mình vào có năm hình vuông tượng trưng cho chỗ chúng sinh ở. Chúng sinh lúc bấy giờ gọi là hồi đầu hướng nội, tức là những người tham gia Pháp Hội vào ngồi trong vòng tròn đầu tiên, vào ngồi trong năm hình vuông. Năm hình vuông đó tượng trưng cho Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Tức là mình vào trong chỗ thanh tịnh hơn (ở ngoài mình càng nhiễu loạn cào cào hơn nữa). Vào sâu hơn trong năm hình vuông đó còn một vòng tròn cuối cùng; đó chính là vòng tròn của giải thoát, của đức Phật bổn tôn trong Pháp Hội. Trong Pháp Hội Đại Bi Quan Âm thì đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi ở giữa. Các bác thấy rằng vòng tròn trong cùng đó không khác gì vòng tròn của Tôn Ngộ Không vẽ để ngài Huyền Trang, đức Tam Tạng ngồi xuống.
Vòng đó là vòng linh thiêng nhất, linh thiêng vô cùng. Nếu Tôn Ngộ Không đọc câu chú thì chư tăng ni chúng ta cũng đọc câu chú. Câu chú đó là câu chú kiết giới, câu chú Đại Bi. Câu chú đó làm cho chỉ có chư Phật, chư Bồ Tát hiển hiện trong vòng đó mà thôi.
Thưa các bác, đó là đặc tính vô song của Mạn Đà La Đại Bi Quan Âm năm nay. Khi các bác biết là linh nghiệm và thần thánh như thế nào, chắc chắn là các bác sẽ tìm cách nổ lực để đi. Đó là mục đích quan trọng của chúng ta; chúng ta muốn mời tất cả mọi người bước vào vòng tròn của ngài Huyền Trang Đường Tam Tạng. Lần này, chúng ta muốn làm bài vị cho tất cả những vong linh , đem họ vào trong vòng giải thoát đó. Nếu các bác nào có tro của các vị thân nhân quá cố của mình hồi xưa, các bác nên tìm một hũ nhỏ xíu bỏ tro vào (các bác lên website phaphoiquanam.com xem chi tiết). Đến lúc làm Mạn Đà La, mình sẽ đem tro đó vào trong vòng tròn giải thoát của chư Phật, chư BồTát. Lúc đó cũng giống như chính người đó vào trong vòng giải thoát vậy. Mình đem tro hoặc bài vị của người quá cố vào trong vòng giải thoát thì tức là người đó sẽ giải thoát. Đây là một kỹ thuật của pháp môn tu hành của mình, rất đặc biệt.
Ngày xưa đã có truyện của Tề Thiên Đại Thánh rồi và thật sự còn nhiều truyện rất lý thú. Các bác thấy là tại sao mỗi lần làm pháp hội, các chư tăng ni đều đi một vòng tròn xung quanh đạo tràng đó và rưới nước cam lồ. Lý do giản dị là, nếu Tôn Ngộ Không dùng tay vẽ xuống đất vòng tròn thì chư tăng ni dùng hình tướng đi xung quanh một vòng tròn. Tất cả đều vì muốn nói tới một chỗ gọi là thánh trận, chỗ giải thoát, chỗ an lạc, chỗ không còn ô uế nữa, thanh tịnh vô song.
Bởi thế cho nên đi Mạn Đà La là mình bắt đầu đi vào trong chỗ thanh tịnh, vào trong cõi giải thoát, không còn ở cõi đọa lạc nữa. Nhưng mà mình, ở vòng tròn bự bên ngoài, mình chưa đi vào vòng tròn nhỏ để chư Phật, chư Bồ Tát bên trong. Mình phải nhường vòng tròn nhỏ đó cho chư vị đã quá cố rồi (các bài vị hoặc hủ tro). Nếu các bác có những nghiệp chướng trên thân của mình (bịnh hoạn), có thể đem tất cả những bài vị đề là ‘Tất cả nghiệp chướng trên thân tôi’, đem vào trong vòng tròn giải thoát Mạn Đà La. Lúc đó, những nghiệp chướng trên thân mình cũng theo đó mà được giải thoát. Nếu bác cầu nguyện cho người nào đang bịnh, có thể viết tên của người đó vào trong bài vị thầy vừa nói, là bài vị cầu cho nghiệp chướng được tiêu trừ. Mình chắc chắn rằng chư Phật, chư Bồ Tát, các ngài sẽ cảm động và sẽ làm cho bịnh hoạn được tiêu trừ.
Đó là chủ yếu để mình hiểu tại sao Mạn Đà La được vẽ thành vòng tròn và tại sao mình đem bài vị đi vào trong vòng tròn gọi là giải thoát ở giữa. Rất quan trọng. Hy vọng là các bác sẽ tìm thời gian để tham dự Mạn Đà La sắp tới, tức là 8, 9, 10 tháng 12. Các bác nên tìm thời gian, tìm cách nghỉ weekend đó, để tới cầu nguyện và đi vào trong vòng tròn giải thoát. Cám ơn các bác đã lắng nghe hôm nay. Chúc các bác thật vui và thật tỉnh.
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.