Di Đà Sám Pháp

Sám hối nghiệp chướng là hạnh thứ tư của đức bồ tát Phổ Hiền. Sám nghĩa là nhận biết lỗi xưa, hối nghĩa là từ nay chấm dứt tạo ác. Sám thì tự mình thẹn với lòng, hối thì xấu hổ với người. Sám thì phản tỉnh, hối thì hiện thực sự phản tỉnh trong hành động. Sám thì quằn quại với gút thắt đã tự cột, hối thì quyết tâm tích cực mở gút. Sám thì biết tầm nhìn cũ không còn thích hợp, hối thì nâng cao tới tầm nhìn mới. Sám thì thấu rõ ngọn ngành quá khứ, hối thì lạc quan hướng tới tương lai. Như thế, sám hối là một quá trình tích cực đổi thay, chuyển biến và cải thiện tầm nhìn, giá trị quan, thái độ, và lối sống để ngày càng thêm hạnh phúc. Sám hối là một quá trình cực đẹp và tuyệt diệu trong đời người, bởi vì ai ai cũng sẽ có lúc cần cải thiện để hạnh phúc hơn.

Di Đà Sám được viết trong bối cảnh của triết lý kinh Hoa Nghiêm. Theo đó lý tưởng tu đạo bồ tát là chủ đề của cuộc sống. Khi sống ta cần phát triển một tâm hồn cao thượng, một cái nhìn rộng rãi, một tấm lòng giàu tình thương, giàu tha thứ, và một cuộc sống hiến dâng trọn vẹn cho việc phục vụ lợi ích tha nhân. Đối với cuộc sống sau khi mạng chung, thì ta nên học hạnh của các đại bồ tát, tức là phát nguyện vãng sinh về cõi An Lạc để tiếp tục hành đạo bồ tát và trang nghiêm cõi Phật. Theo kinh Hoa Nghiêm, hạnh vãng sinh tịnh độ của chư Phật là một hạnh vô cùng cần thiết để giúp chư đại bồ tát gần gũi với chư Phật, để hộ trì, trang nghiêm và thành tựu đạo nghiệp của tất cả chúng sinh. Cõi tịnh độ của đức Di Đà cũng như vô số cõi tịnh độ trong Pháp Giới, được tạo dựng và thành hình vì bi nguyện của chư Phật. Công hạnh xây dựng một môi trường sống thuận lợi để chúng sinh tu hành là công hạnh của chư Phật, chư đại bồ tát. Công hạnh vãng sinh về tịnh độ để tiếp tục bi nguyện của chư Phật là việc của phàm phu chúng ta.

Với triết lý đạo bồ tát làm bối cảnh như thế, Di Đà Sám chú trọng vào giải thích ý nghĩa và triết lý của hồng danh A Di Đà Phật để ta có thể thay đổi lối nhìn, do đó thay đổi quan niệm sống, sống sao cho tích cực hơn. Rằng, bản tánh quang minh vốn sẵn có trong ta, nhưng ta quá hướng ngoại không biết quay lại chiếu soi cõi lòng để tự tánh quang minh hiện khởi hướng dẫn cuộc sống. Khi nhận ra quang minh trong tâm thì ngay đây là cõi tịnh độ. Khi chưa nhận ra tự tánh quang minh, ta cũng chớ vội tin vào những ảo ảnh do sợ hãi và một cảm giác thiếu an toàn vẽ ra.

Tin, trong triết lý hạnh Thập Tín của kinh Hoa Nghiêm, nghĩa là trở thành. Lòng tin phải biến đối tượng trở thành chủ thể. Do đó Di Đà Sám chủ trương rằng ta phải tin vào sự hiện hữu của đức Di Đà: rằng ngài luôn hiện diện trong ta và với ta. Ta cũng cần tin vào những giá trị và ý nghĩa mà danh hiệu đức Di Đà tượng trưng. Một khi ta tin vào những giá trị và đặc tính ấy, ta mới trở thành những đặc tính ấy được. Do đó nội dung chính của Di Đà Sám là thay đổi cái nhìn của ta bằng cách tìm hiểu ý nghĩa và nội dung của hồng danh Di Đà.

Thật vậy, sức mạnh tha lực vô biên của đức Phật A Di Đà, được gói trọn trong vỏn vẹn sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô có nghĩa là quy mạng, tức là đem tánh mạng mình trở về phủ phục trước đối tượng lễ lạy. A Di Đà nghĩa là Vô Lượng Quang. Phật nghĩa là bậc giác ngộ. Như thế Nam mô A Di Đà Phật là trở về, quy mạng với bậc giác ngộ quang minh vô lượng. Nhưng trở về quy mạng thì cứu cánh cũng tức là trở thành. Do đó khi xướng lên Nam mô A Di Đà Phật tức là ta nói với lòng mình rằng: “Con xin trở về và cứu cánh trở thành bậc giác ngộ quang minh vô lượng”, và nếu nói gọn, cũng có nghĩa là “Con trở thành quang minh vô lượng”.

Như thế Di Đà Sám chủ trương rằng ta nên phát tâm tu đạo bồ tát, tích cực phục vụ, chủ động thay đổi vận mạng lúc ta còn khả năng; mãnh liệt tin tưởng vào tiềm năng quang minh, lấy việc khai mở quang minh trong tâm mình và tâm người là công hạnh thiết thực, là sứ mạng của cuộc sống nhỏ bé như hạt bụi không tên tuổi. Nhưng quang minh ấy là gì? Là tuệ giác sáng suốt nhân quả, là tình thương không chiếm hữu, là tánh dễ thương hài hòa, là tâm lượng bao dung, là trí huệ giải mở gút thắt tâm tình, là khả năng buông xả bụi trần ô nhiễm, là ý chí tinh tấn hướng thượng, là nỗ lực không ngừng tiến hóa, là lòng hy sinh không chút tính toán ích kỷ, là lời nói nhẹ nhàng cảm động được lòng người khiến họ hướng thiện, là khả năng vượt thoát những dính, kẹt trong cuộc sống, là năng lượng cho ra, bố thí, cúng dường không hối tiếc, là một từ trường lan tỏa nội tại khiến tha nhân cảm thấu an nhiên tự tại, ấm áp từ bi, là khả năng hội tụ không tán loạn buông lung giữa trần gian đầy cám dỗ, loạn trược.

Nhưng mục đích quan trọng nhất của Di Đà Sám là hướng ta nhận tri tấm lòng vĩ đại của đức từ phụ Di Đà qua bốn mươi tám lời nguyện, để ta hướng đời mình về con đường vãng sinh cõi An Lạc. Thật vậy, với ai đã có lập tín, nguyện, hạnh cầu vãng sinh, thì Di Đà Sám giúp ta tăng trưởng niềm tin vào sức mạnh tiếp dẫn của đức từ phụ Di Đà. Với ai cần sám hối để tiêu nghiệp tăng phước, thì Di Đà Sám khiến tâm ý thay đổi, khai mở tự tánh thánh thiện, do đó tịnh trừ nghiệp chướng. Với ai còn hoài nghi, chỉ tin tự lực, phủ nhận tha lực, thì Di Đà Sám làm nhịp cầu giúp ta thấy tự lực và tha lực không thể tách rời. Với ai tâm ý cực đoan, tin vào thế giới trần lao, phủ nhận tịnh độ, thì Di Đà Sám giúp ta thấy vạn pháp duy tâm, tâm trùm vạn pháp, tâm pháp là một.

Và đó chính là tinh thần của Di Đà Sám: tất cả đều Bất Nhị.