Xuất Gia Đoản Kỳ 2010 (Video Clips)

Thưa các bác, các anh chị thân mến,

Xuất gia là một trong những hạnh cao quý nhất của nhà Phật. Đức Phật dạy rằng xuất gia có 3 loại: xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia.

  • Xuất thế tục gia tức là rời khỏi nhà thế tục, xuống tóc, làm người tu sĩ.
  • Xuất phiền não gia tức là rời khỏi nhà phiền não, những tâm tình buồn sầu, khó chịu, tiêu cực cho tới những tâm thái chấp trước, thành kiến, cho tới những bóng tối trong tâm tư do bản ngã tạo ra.
  • Xuất tam giới gia tức là rời khỏi cõi dục giới, sắc giới, và vô sắc giới. Ba cõi này tượng trưng cho tất cả chúng sinh trong điạ ngục, ngạ quỷ, súc sinh, tu la, người và chư thiên. Thông thường chỉ có các bậc La Hán mới thật sự là xuất tam giới gia.

Những bậc xuất gia đều tuần tự trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn nhận thọ giới Sa di (hoặc Sa di ni) tức là 10 giới tập sự là người tu chân chính. Sau đó nhận thọ giới Tỳ kheo (hoặc Tỳ kheo ni) gồm có 250 giới (hoặc 348 giới cho ni) để chính thức làm người tu thoát tục. Bất luận là Sa di hay Tỳ kheo, trọng tâm của đời sống tu hành là ở chỗ thoát tục như nhiên, chẳng nhiễm bụi trần. Bởi thế xuất gia là một hạnh cực kỳ cao quý và xứng đáng để chúng ta khen ngợi, cúng dường, ủng hộ, bảo vệ, và duy trì.

Sau này khi Phật chế định ra pháp tu thọ trì 8 giới, ngài dạy rằng nếu ai chỉ giữ 8 giới trong một ngày một đêm thì công đức của họ sẽ ngang bằng với Phật. Đó là một suy nghĩ cực kỳ sâu sắc về tác dụng của sự trì giữ giới luật trên tâm thức ta. Rằng, con đường giải thoát sinh tử qua công hạnh giới luật xuất gia là con đường đem tới vô lượng những phước báu, điều lành và may mắn; Rằng: nếu ta chỉ giữ 8 giới mà công đức đã vô lượng như vậy, hà huống là giữ 10 giới, hoặc hơn nữa là 250 giới.

Với sự suy nghĩ như vậy về tác dụng của giới luật, nhiều nước theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, nhất là Lào, Thái Lan, Miến Điện, Cam Bốt, (và gần đây là Đài Loan) đã phổ biến một lối tu, gọi là tu đoản kỳ. Đây tức là lối tu ngắn hạn, trong vòng vài ngày cho tới vài tuần hoặc vài tháng. Mục đích và động cơ phía sau lối tu này cũng bắt đầu trở nên phong phú theo dòng lịch sử:

  • Tu đoản kỳ là một cách tạo công đức cho bản thân: quá khứ ta tạo nhiều tội lỗi, nay xuất gia trong 7 ngày để sám hối, tiêu trừ hết mọi tội lỗi đã tạo trong kiếp này.
  • Tu đoản kỳ là cách để ta bắt đầu một giai đoạn mới: trước đó ta gặp quá nhiều nghịch duyên, chướng duyên, đau khổ, chuyện buồn… nên nay xuất gia 12 ngày để sám hối, đồng thời đánh dấu một sự thay đổi trong quan điểm, cái nhìn, và một lối sống mới.
  • Tu đoản kỳ là cách báo hiếu cha mẹ: thí dụ như ta phải lập gia đình, không còn cơ hội để ở bên cạnh cha mẹ nữa thì ta xuất gia 12 ngày để hồi hướng công đức về cho cha mẹ.
  • Tu đoản kỳ là cách trả ơn Phật: thí dụ như ta bịnh nặng, cầu xin Phật trợ giúp, nay bịnh lành ta xuất gia 12 ngày trả ơn Phật. Hoặc cha mẹ ta bịnh này, ta khấn nguyện cho họ lành bịnh, nay họ lành, ta xuất gia để trả ơn Phật giúp.
  • Tu đoản kỳ là cách trả nợ: có khi đó là nợ máu, nợ tình, nợ duyên. Tu đoản kỳ là để tạo công đức trả cho chủ nợ những món nợ rất khó trả đó.
  • Tu đoản kỳ là cách để ta thử xem đời sống thanh tịnh có thích hợp cho ta xuất gia suốt đời hay không.

Đó là những động cơ và mục đích của việc tu đoản kỳ, tạo thành một tập tục đáng quý, duy trì và truyền lại trong nhiều thế hệ. Đối với xã hội đời nay, xuất gia đoản kỳ là một cách thức rất thực tế để giúp người tại gia hiểu biết bản chất con đường xuất gia thoát tục. Một khi người tại gia đã ‘thử’ xuất gia đoản kỳ rồi thì chắc chắn họ sẽ tăng trưởng niềm tin và càng thêm ủng hộ và kính trọng Tam Bảo.

Chương trình tu đoản kỳ này có tên là: Xuất Gia Vị Tha, nghĩa là tập xuất gia trong 12 ngày, với yêu cầu những ai xuất gia thì tu ‘dùm’ cho một (hoặc nhiều) người thân thương nào đó. Người thân của ta có thể là vì bịnh hoạn, tuổi tác, công việc, nhân duyên nào đó, nên không thể tu hành; do đó ta tu ‘dùm’ họ. Đương nhiên là nếu ta muốn tu để giảm thiểu nghiệp chướng cho chính bản thân thì điều đó cũng tốt lắm. Chỉ khi ta tu ‘dùm’ thì ta mới sinh khởi được tình thương chân thật, và làm cho cuộc tu trở nên biểu hiện của sự thực hành đạo bồ tát vị tha.

Thưa các bác, các anh chị,

Xin các bác, các anh chị cùng nhau chia sẻ về ý nghĩa của xuất gia vị tha này, cũng như khuyến khích, những ai có duyên có thể xuất gia đoản kỳ.

Thân mến,

Thầy Hằng Trường